Từ ngày 24/2, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế tại 115 bệnh viện trên địa bàn. Thành phố hiện có 54 bệnh viện công lập và 61 bệnh viện tư nhân. 

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 2 năm gần đây, Bệnh viện Từ Dũ và Hùng Vương (chuyên khoa sản) luôn dẫn đầu bảng xếp hạng thì năm 2022, Bệnh viện Nhi đồng 1 (chuyên khoa nhi) vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng.

Đây cũng là bệnh viện có Trung tâm Tim mạch vừa được Tổ chức Children’s HeartLink của Mỹ trao giấy chứng nhận Trung tâm Tim mạch xuất sắc vào hôm qua, 18/7. 

Kết quả chung cho thấy trên thang điểm 5, năm 2022, có 37 bệnh viện đạt điểm chất lượng tốt (trên 4 điểm), tăng 15,6% so với năm trước. Trong đó, 11 bệnh viện đạt mức tối đa. Số lượng bệnh viện đạt điểm trên 4,5 và từ 4-4,5 đều tăng so với 2021.  

So với năm 2021, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 9%, nhóm bệnh viện thành phố tăng 2,5% và nhóm bệnh viện quận huyện tăng 0,3%. Sở Y tế TP.HCM nhận định, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng nhiều hơn so với các nhóm bệnh viện công lập. Nhóm bệnh viện quận, huyện mức độ cải tiến còn chậm hơn.

Theo danh sách kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022, 10 bệnh viện có điểm cao nhất ở TP.HCM gồm các bệnh viện: Hùng Vương, Nhi đồng 1, Nhân dân 115, Từ Dũ, Viện Y dược học dân tộc, Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Nhân dân Gia Định, Bình Dân, Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Nhi đồng 2. 

Bệnh viện Nhi đồng 1 vươn lên đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng. Ảnh: Duy Anh

Các bệnh viện có điểm thấp nhất trong danh sách gồm: Răng hàm mặt Sài Gòn, Thẩm mỹ Kim hospital, STO Phương Đông, Mắt Cao Thắng, Thẩm mỹ Sao Hàn, Thẩm mỹ AVA Văn Lang, PTTM Angel, Răng hàm mặt Mỹ Thiện, PTTM Á Âu, PT THTM Hiệp Lợi.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 bao gồm các nội dung như: Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện; Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch; Tiêu chí an toàn phẫu thuật; Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm, khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế; Đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn.

Sở Y tế còn phối hợp kiểm tra, đánh giá các chuyên đề về đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19, tình hình thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải y tế.

Cơ quan này ghi nhận vẫn còn vấn đề tồn tại cần khắc phục và cần ưu tiên cải tiến như hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác dinh dưỡng tiết chế, các vấn đề tuân thủ quy định ghi chép hồ sơ bệnh án. Đặc biệt, lưu ý các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự khi có thay đổi phải được cho phép bởi cơ quản quản lý có thẩm quyền.

Bệnh viện nào xấu nhất TP.HCM?“Có lẽ ở TP.HCM, Bệnh viện Tâm thần là xấu nhất. Rất tội người bệnh”, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ.