Ưu thế của kinh tế dữ liệu

Dữ liệu đang phát triển với tốc độ tăng theo cấp số nhân. Theo Trung tâm Dữ liệu Internet (IDC), tổng dữ liệu của thế giới (DataSphere) được dự đoán sẽ tăng từ 33 zettabyte năm 2018 lên đến 175 zettabyte năm 2025. Dữ liệu doanh nghiệp được dự báo sẽ phát triển nhanh gấp hai lần so với dữ liệu người tiêu dùng trong 5 năm tới. Điều này có thể gây áp lực lớn hơn cho các doanh nghiệp trong việc vừa quản lý và bảo vệ dữ liệu, vừa tìm kiếm cơ hội để thu được lợi ích kinh doanh và xã hội nhờ dữ liệu.

Nền kinh tế dữ liệu là một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu, trong đó nhà sản xuất và người tiêu dùng dữ liệu thu thập, tổ chức và chia sẻ dữ liệu tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau. Các doanh nghiệp có thể thu thập thông tin chi tiết và phong phú hơn, khai thác thị trường mới, đáp ứng người tiêu dùng bằng sản phẩm/ dịch vụ phù hợp, đồng thời thu lợi nhuận qua việc chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài với các khách hàng và nhà cung cấp chính.

Theo nghiên cứu, những lợi ích lớn nhất khi doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế dữ liệu bao gồm: Cải thiện quan hệ hợp tác với các đối tác và nhà cung cấp (66%), Tạo ra các mô hình kinh doanh mới (53%), Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (52%), Thu hút và giữ chân khách hàng tốt hơn (51%), Tăng doanh thu (42%).

Tuy nhiên, theo khảo sát của MIT năm 2021, có đến 45% lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho biết chỉ sử dụng dữ liệu để đạt được hiểu biết cơ bản và đưa ra quyết định. 

Các lãnh đạo doanh nghiệp cần lưu ý những gì?

Thực tế, có một khoảng cách ngày càng lớn giữa các công ty tham gia vào nền kinh tế dữ liệu với các công ty truyền thống. Bằng cách khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn bên ngoài, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đổi mới sản phẩm, dịch vụ phù hợp với sự thay đổi của khách hàng, xu hướng thị trường, thậm chí giải quyết khủng hoảng.

Vậy các nhà lãnh đạo cần lưu ý những gì về nền kinh tế dữ liệu?

Thứ nhất, dữ liệu là “dầu mỏ” của nền kinh tế số

Dữ liệu đang trở thành một nguồn tài nguyên quý giá và quyền sở hữu dữ liệu sẽ trở thành yếu tố quan trọng tạo ra giá trị kinh tế. 

Ngày càng nhiều công ty công nghệ nhận ra giá trị của dữ liệu. Ví dụ, Google cung cấp các dịch vụ như Gmail, Google Docs, Google Sách để thu thập dữ liệu từ người dùng nhằm nâng cao chất lượng kết quả tìm kiếm…

Thứ hai, kiến thức có thể được tạo ra mà không cần chuyên môn

Ngày nay, không chỉ riêng các ngành nghề lao động tay chân được tự động hóa. Google sử dụng tính năng phân tích cụm từ tìm kiếm để theo dõi những đợt bùng phát dịch bệnh hiệu quả hơn nhiều so với mạng lưới bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh; hệ thống Watson của IBM có thể chẩn đoán ung thư tốt hơn cả con người… 

Nhiều công việc trước đây đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, giờ có thể được thực hiện bằng máy tính dữ liệu. Dự báo sẽ có những thay đổi lớn trong cách tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân sự của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn.

Thứ ba, có thể đổi mới ở quy mô lớn mà không cần khối lượng lớn

Theo hai nhà kinh tế học Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee, các doanh nghiệp có thể “đổi mới ở quy mô lớn mà không cần số lượng lớn”: Một ý tưởng mới có thể được triển khai nhanh hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn trong toàn bộ doanh nghiệp mà không cần huy động nhiều nhân lực hay vật lực như trước, một phần nhờ công nghệ. Nhưng các đối thủ luôn có thể nghĩ ra ý tưởng vượt trội hơn. Do đó, các nhà lãnh đạo nên hướng đến sự linh hoạt hơn là sự ổn định để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh.

Thứ tư, quyền riêng tư trở thành giá trị thương hiệu

Trong thời đại dữ liệu lớn, các công ty sử dụng dữ liệu để dự đoán hành động và thói quen, sở thích của khách hàng. Việc này đặt ra câu hỏi về quyền riêng tư cá nhân. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các lãnh đạo cần nhận ra giá trị của dữ liệu và đảm bảo việc sử dụng dữ liệu hợp lý, có trách nhiệm, tôn trọng quyền riêng tư của người dùng; qua đó giúp doanh nghiệp có được niềm tin và tăng giá trị thương hiệu.

Công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cách thức hoạt động của nền kinh tế. Nhờ dữ liệu lớn, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận công nghệ và nền tảng kinh doanh một cách dễ dàng, linh hoạt hơn bao giờ hết. 

Vậy làm cách nào để khai thác sức mạnh kinh tế dữ liệu đồng thời đảm bảo quyền riêng tư cá nhân? Một chiến lược kinh tế dữ liệu cần có lộ trình cụ thể ra sao? Các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp cần điều chỉnh tư duy và hành động như thế nào trong kỷ nguyên kinh tế dữ liệu?

Những vấn đề trên sẽ được thảo luận tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2023 – “Kinh tế dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp tạo đột phá trên toàn cầu” do Vietnam Report và Báo VietNamNet tổ chức vào ngày 4/8/2023 tại Hà Nội. Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới và lãnh đạo doanh nghiệp về những xu hướng công nghệ tạo đột phá tăng trưởng, đồng thời đánh giá hiện trạng, thách thức và cơ hội liên quan đến nền kinh tế dữ liệu.

Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về chiến lược và công nghệ như: GS. Alex Pentland – Top 7 Nhà khoa học dữ liệu quyền lực nhất thế giới (Forbes); TS. Thomas Kehler – Nhà sáng tạo AI tiên phong (Silicon Valley); TS. John Clippinger – Học giả Harvard & MIT; ông John Rockhold – Chủ tịch AmCham Hà Nội; ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Nhà sáng lập kiêm Tổng Biên tập đầu tiên của Báo VietNamNet… cùng các lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam.

Hotline 0389618468

(Nguồn: Vietnam Report)